Xin cấp giấy phép môi trường

I. Khái niệm: (Luật BVMT 72/2020/QH14)

  Giấy phép môi trường (GPMT) là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

II. Đối tượng phải có giấy phép môi trường (Điều 39, Luật BVMT 72/2020/QH14)

–           Dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra ngoài môi trường hoặc phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) phải được xử lý và  quản lý theo quy định khi đi vào vận hành chính thức.

–           Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật BVMT 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng trên.

III. Đối tượng được miễn giấy phép môi trường (Điều 39, Luật BVMT 72/2020/QH14)

Đối tượng của Dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra ngoài môi trường phải hoặc phát sinh chất thải nguy hại thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường (GPMT).

IV. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường (Điều 43, Luật BVMT 72/2020/QH14)

–          Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường (GPMT);

–          Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (GPMT);

–          Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án

V. Căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm: (Khoản 1, điều 42, Luật BVMT số 72/2020/QH14)

–           Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường

–           Báo cáo đánh giá tác động môi trường (BCĐGTĐMT) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);

–           Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

–           Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

–           Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan

VI. Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau: (Khoản 2, điều 42, Luật BVMT số 72/2020/QH14))

  • Dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
  • Dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm.
  • Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật BVMT số 72/2020. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.
  • Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật BVMT số 72/2020 đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.
  • Trường hợp dự án đầu tư hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.

VII. Biểu mẫu giấy phép môi trường (Điều 19, Thông tư 02:2022/TT-BTNMT)

Giấy phép môi trường quy định tại Mẫu số 40 Phụ lục II Thông tư 02:2022/TT-BTNMT.

VIII. Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau: (khoản 4, điều 40, Luật BVMT số 72/2020/QH14)

–           Đối với dự án đầu tư nhóm I: 07 năm

–           Đối với dự án đã đi vào hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I: 07 năm

–           Đối với đối tượng không thuộc quy định trên: 10 năm

–           Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định theo yêu cầu đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở.

IX. Thẩm quyền cấp giấy phép: (Điều 41, Luật BVMT số 72/2020/QH14)

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Để biết thêm chi tiết về các dịch vụ môi trường, xin vui lòng liên hệ với công ty chúng tôi qua Website: https://phantichquantracmoitruong.com hoặc liên hệ trực tiếp Ms Diễm (zalo/phone) 0945 825 839 – phuongdiem@qcvn.com.vn

Gọi ngay